Tether (USDT) là một loại stablecoin được gắn liền với một tài sản ổn định như đô la Mỹ. Mục tiêu của Tether là giúp người dùng tránh những biến động lớn thường thấy trên thị trường tiền điện tử bằng cách duy trì giá trị 1 USDT tương đương với 1 USD.
Do tính ổn định và sự phổ biến của mình, USDT đã trở thành một phần quan trọng của hệ sinh thái tiền điện tử, được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch, trao đổi và bảo toàn giá trị. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Tether có thực sự đảm bảo 1 USDT được hỗ trợ bởi 1 USD như họ tuyên bố không?
Vào ngày 12 tháng 9, tổ chức Consumers’ Research đã công bố Tether đạt 4/5 điểm về đánh giá độ ổn định (trong đó 5 là mức xếp hạng tệ nhất) và báo cáo cáo buộc Tether thiếu minh bạch về dự trữ tài chính. Báo cáo chỉ rõ rằng, dù Tether đã nhiều lần hứa sẽ cung cấp một cuộc kiểm toán đầy đủ từ một công ty kiểm toán độc lập và uy tín về dự trữ đô la Mỹ của họ nhưng đến nay Tether vẫn chưa thực hiện điều này.
Điều này đã khiến nhiều người lo ngại rằng số quỹ đô la Mỹ mà Tether khẳng định đang giữ để bảo đảm cho các đồng USDT có thể không thực sự tồn tại đầy đủ như đã cam kết. Theo báo cáo, tình trạng này có thể gây ra những rủi ro tương tự như vụ sụp đổ đình đám của FTX và Alameda Research.
Vào đầu năm nay, Howard Lutnick – CEO của công ty quản lý danh mục chứng khoán Mỹ của Tether đã lên tiếng trấn an dư luận. Lutnick khẳng định rằng Tether có đủ tiền mặt để bảo đảm cho tất cả các đồng USDT mà họ đã phát hành. Ông cũng cho biết Cantor Fitzgerald đã thực hiện nhiều công việc kiểm tra và xác nhận số tiền này.
Vào tháng 7, Tether đã thuê Philip Gradwell – cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Chainalysis để tạo ra các báo cáo chi tiết về cách sử dụng USDT. Những báo cáo này sẽ được cung cấp cho các cơ quan quản lý và nhà đầu tư Hoa Kỳ, giúp làm sáng tỏ hơn về cách thức USDT được sử dụng và quản lý.
Vào tháng 8, Paolo Ardoino – CEO của Tether cho biết công ty đã hợp tác với hơn 145 cơ quan thực thi pháp luật kể từ năm 2014 để thu hồi hơn 108 triệu USD USDT liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp.
Vào đầu tháng 9, Tether đã công bố một sự hợp tác với mạng lưới blockchain Tron để ra mắt một đơn vị phòng chống tội phạm tài chính mới mang tên “T3 Financial Crime Unit”. Đơn vị này sẽ giúp phát hiện và ngăn chặn các giao dịch USDT bất hợp pháp trên mạng lưới Tron.
Tether hiện đang đối mặt với nhiều áp lực để chứng minh sự minh bạch và ổn định tài chính của mình. Dù họ đã có những động thái tích cực như hợp tác với các cơ quan pháp luật và tuyển dụng chuyên gia để báo cáo về cách sử dụng USDT nhưng việc không thực hiện kiểm toán đầy đủ vẫn là một vấn đề lớn cần được giải quyết. Người dùng và nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi sát sao các thông tin liên quan đến Tether và tình hình minh bạch của họ để đảm bảo rằng khoản đầu tư của mình an toàn.