Deltec Bank, ngân hàng có trụ sở tại Bahamas và là đối tác lâu năm của Tether, bị cáo buộc tiếp tay cho hành vi lừa đảo của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX.
Theo Bloomberg, một số nhà đầu tư tiền mã hóa giấu tên đã đâm đơn kiện Deltec Bank & Trust Ltd., ngân hàng của Tether (USDT) tại Bahamas, cho rằng nhà băng đã tiếp tay để Sam Bankman-Fried tiến hành vụ lừa đảo hàng tỷ USD tài sản của khách hàng và dẫn đến sự sụp đổ của sàn FTX. Đơn kiện dù có đề cập nhiều đến Tether nhưng lại không liệt kê công ty phát hành stablecoin trong danh sách bị đơn.
Đơn kiện đã cung cấp nhiều bằng chứng cho cáo buộc trên, bao gồm lời khai và hơn 7.000 trang chụp màn hình Telegram của cựu CEO quỹ Alameda Research Caroline Ellison, người có mối quan hệ thân cận với cựu CEO FTX.
A look at the web of connections that ties FTX’s Sam Bankman-Fried to a Bahamas bank whose chairman created the cartoon Inspector Gadget, and cryptocurrency Tether https://t.co/YVf7wKTdS2
— Bloomberg Crypto (@crypto) February 17, 2024
Các công ty của Sam Bankman-Fried đã lập tài khoản tại Deltec Bank từ tận năm 2018 với mục đích là để dễ tiếp cận đến Tether và phát hành USDT khi chỉ cần chuyển tiền từ tài khoản Deltec của họ sang tài khoản Deltec của Tether. Alameda Research đã nhiều lần vay tiền từ Deltec, rồi sau đó dùng làm tài sản để phát hành USDT rồi lưu hành trên thị trường tiền mã hóa
Trong giai đoạn thị trường crypto bùng nổ vào năm 2020 – 2021, Alameda đã phát hành USDT trước khi thực trả đô la để bảo chứng, rồi thu lợi bằng cách bán chúng ra thị trường.
Lời khai của Caroline Ellison tuyên bố:
“Alameda có thể tạo ra USDT qua các khoản vay ngoài sổ sách từ Deltec, rồi bán USDT kiếm lời trước khi phải nạp đô la vào tài khoản Deltec của Tether để bảo chứng cho lượng stablecoin ấy.”
Theo dữ liệu on-chain, Alameda Research từng là chủ thể phát hành nhiều USDT nhất, chịu trách nhiệm cho gần 40 tỷ USDT được đưa vào lưu thông.
Chưa dừng lại ở đó, đơn kiện còn khẳng định ngân hàng Deltec đã tiếp tay Sam Bankman-Fried chiếm đoạt tài sản của khách hàng khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền giữa tài khoản của FTX với Alameda, dù biết đó là tiền của người dùng. Deltec còn cung cấp cho Alameda các đặc quyền về rút tài sản.
Đổi lại, FTX đã cho Deltec vay 50 triệu USD vào năm 2021 khi nhà băng gặp khó khăn về tài chính. Alameda còn đầu tư vào Moonstone Bank, một ngân hàng nhỏ khác của Mỹ cũng thuộc quyền sở hữu của ông chủ Deltec Jean Chalopin.
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, luật sư Desiree Moore đại diện cho Deltec, tuyên bố ngân hàng và Chủ tịch công ty là ông Jean Chalopin không hề hay biết về hành vi lừa đảo của FTX cho đến khi được phanh phui trên truyền thông. Phía Tether vẫn chưa đưa ra bình luận gì.
Deltec là ngân hàng của Tether từ tận năm 2018, nhờ việc cả hai đều đặt trụ sở hoạt động tại đảo quốc Bahamas. Trong quá khứ, mối quan hệ giữa cả hai đã bị đặt nhiều dấu hỏi. Vào năm 2021, Bloomberg đã tiến hành một phóng sự điều tra để truy lùng tung tích dòng tiền bảo chứng cho Tether, để rồi đi đến kết luận nó được che giấu quá kỹ để có thể đưa ra bất kỳ kết luận gì.
Bài viết còn đào sâu vào lý lịch của những người đứng sau công ty và các đối tác ngân hàng. Theo đó, Chủ tịch của Deltec là ông Jean Chalopin, một người trước đây không có kinh nghiệm tài chính nhưng vẫn theo đuổi lĩnh vực này và đạt được nhiều thành công sau đó. Đáng chú ý, ông Chalopin thời trẻ chính là họa sĩ sáng tác nên nhân vật “Thanh tra Gadget” nổi tiếng. Sau khi chuyển đến Bahamas và trở thành người đứng đầu của Deltec Bank, ông Chalopin đã làm quen với Giancarlo Devasini, Giám đốc Tài chính của Tether, mở ra mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Tether từ trước đến nay vẫn giữ nguyên quan điểm rằng đồng USDT không được sử dụng trong bất kỳ âm mưu thao túng thị trường crypto nào. Sau khi FTX phá sản vào tháng 11/2022, công ty tuyên bố không bị liên lụy vì Alameda luôn gửi USD để bảo chứng cho lượng USDT được phát hành.
Công ty đã có giai đoạn 2022 – 2023 vô cùng thành công khi không chỉ giữ vững mà còn gia tăng thị phần trong mảng stablecoin khi các đối thủ như USDC và BUSD gặp sự cố depeg và cấm cản pháp lý. Trong báo cáo tổng kết năm 2023, Tether tuyên bố đang nắm giữ 97 tỷ USD tài sản để bảo chứng cho 91,5 tỷ USD được phát hành ra thị trường. Nhờ chiến lược đầu tư đến 80 tỷ USD tài sản vào trái phiếu kho bạc Mỹ, công ty đã thu lợi nhuận đến 6,2 tỷ USD trong năm vừa rồi. Tether ngoài ra còn đang thắng lớn nhờ khoản đầu tư Bitcoin, cũngnhư phát triển nhiều sáng kiến khác như xây dựng hạ tầng khai thác và kỹ thuật cho BTC.