Fidelity dự đoán các quốc gia và ngân hàng trung ương từng tránh né Bitcoin sẽ tìm cách sở hữu đồng coin vua trong năm 2025.
Fidelity Digital Assets dự đoán các quốc gia và ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu thu mua Bitcoin vào năm 2025, mở ra một chương mới trong cách thế giới nhìn nhận tiền mã hóa.
📢 Is it “too late” to enter the digital assets market? Our 2025 Look Ahead shares our team’s answer and highlights potential opportunities emerging from the approval of spot digital asset ETPs and a post-election surge.
Access the full report: https://t.co/sg4W3gRXz2 pic.twitter.com/iYsI4iUknB
— Fidelity Digital Assets (@DigitalAssets) January 7, 2025
Theo báo cáo mới, các chính phủ sẽ vượt qua những e ngại trong quá khứ về việc tích trữ Bitcoin, để phòng ngừa rủi ro tài chính và bất ổn kinh tế. Nếu dự đoán của Fidelity chính xác, đây sẽ là bước ngoặt quan trọng đối với Bitcoin, một tài sản từng bị nhiều quốc gia “ruồng bỏ” do lo ngại về rủi ro và thiếu sự rõ ràng về quy định.
Fidelity cho rằng, việc các quốc gia lớn và giàu có thiết lập dự trữ Bitcoin sẽ củng cố vị thế của loại tài sản này như một nơi lưu trữ giá trị hợp pháp, đồng thời sẽ làm bàn đạp thổi giá Bitcoin tăng trưởng mạnh mẽ.
Một số chính phủ như Hoa Kỳ đã nắm giữ một số Bitcoin nhất định. Song, nhìn chung họ sở hữu chúng bằng cách tịch thu từ những kẻ vi phạm pháp luật. Rạng sáng nay, tòa án đã chấp thuận cho Bộ Tư pháp Mỹ thanh lý 6,5 tỷ USD Bitcoin thu giữ từ chợ đen Silk Road.
El Salvador là trường hợp ngoại lệ, khi trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng Bitcoin như một tài sản dự trữ quốc gia. Sau hơn 3 năm miệt mài trung bình giá, nước này đã tích lũy được 6.000 Bitcoin, trị giá hơn 550 triệu USD, và hiện là quốc gia nắm giữ Bitcoin lớn thứ 6 thế giới, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Ukraine và Bhutan.
Các nhà lập pháp Hong Kong, Nga, Brazil, Ba Lan và Séc cũng đang kêu gọi đầu tư vào Bitcoin hay “nhập kho” đồng coin này vào quỹ dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, báo cáo từ Fidelity chỉ ra rằng nếu các chính phủ thu mua Bitcoin, họ sẽ làm việc này một cách bí mật để tránh làm giá tăng, khiến chi phí mua vào trở nên đắt đỏ hơn.
Trong khi đó, Fidelity đã trở thành một trong những tổ chức tài chính truyền thống tiên phong trong việc ra mắt ETF Bitcoin spot vào tháng 1 năm ngoái. Nhiều nhà đầu tư tổ chức khác cũng đã tham gia đường đua này, và xem BTC là một phần trong danh mục đầu tư đa dạng của họ.
Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump đã công khai ủng hộ thiết lập kho dự trữ Bitcoin chiến lược như một phần trong chiến dịch ủng hộ tiền mã hóa của ông. Ông còn thúc đẩy Đạo luật Bitcoin Act do Thượng nghị sĩ Wyoming Cynthia Lummis đề xuất. Nếu được phê duyệt, đạo luật này sẽ yêu cầu Bộ Tài chính Hoa Kỳ mua 1 triệu Bitcoin trong vòng 5 năm, với chi phí ước tính khoảng 94 tỷ USD theo giá hiện tại.
Matt Hogan, nhà phân tích của Fidelity, nhận định nếu dự luật được ban hành, lý thuyết trò chơi chính trị và tài chính sẽ buộc các quốc gia khác phải làm theo.
Hogan nhận xét việc không phân bổ Bitcoin có thể trở thành rủi ro lớn đối với các quốc gia so với việc đầu tư vào tài sản này. Mặc dù chưa rõ liệu Trump có hiện thực hóa kế hoạch dự trữ Bitcoin hay không, Fidelity tin rằng Bitcoin đã chuyển từ một tài sản ngoài lề sang một loại tài sản được các chính trị gia chú ý nhờ tiềm năng cách mạng hóa hệ thống tài chính toàn cầu.
Tóm lại, nếu các chính phủ và ngân hàng trung ương thực sự chú ý đến Bitcoin, động thái này không chỉ củng cố vị thế của Bitcoin mà còn thay đổi cách thế giới vận hành tài chính trong những năm tới.