Dù tháng 4 vô cùng nhộn nhịp với hàng loạt dự án airdrop token, nhưng hiệu suất giá khi lên sàn đều không khả quan. Có phải nhà đầu tư đã dần quay lưng với các token “free” như thế này?
Token airdrop gần đây đều có hiệu suất kém
Tháng 4/2024 đã chứng kiến nhiều sự kiện airdrop token lớn nhỏ trong thị trường. Có thể nói tháng qua vô cùng nhộn nhịp với màn ra mắt của những Ethena, Wormhole, Parcl, Tensor, Omni Network, Renzo, Kamino,… Sắp tới đây còn có EIGEN của EigenLayer – một trong những dự án DeFi lớn nhất hiện nay; Avail – blockchain tách ra từ Polygon; hay friend.tech – ứng dụng SocialFi hàng đầu trên layer-2 Base.
Nhưng đáng tiếc thay, khi token được mở giao dịch, kết quả nhãn tiền là giá bắt đầu dump mạnh.
Như tài khoản Blur dưới đây chia sẻ lại biểu đồ giá của các token airdrop gần đây và tất cả đều chỉ có một xu hướng giảm:
the golden era of airdrops pic.twitter.com/CNyKkTqeMb
— Blur (@BlurCrypto) April 30, 2024
Nền tảng lending hệ Solana là Kamino ra mắt token quản trị vào ngày 30/04. Trong vòng một giờ kể từ khi lên sàn, KMNO đã giảm hơn 63% khi những người nhận airdrop đổ xô rút tiền.
Biểu đồ giá Kamino (KMNO) vào lúc 01:00 PM ngày 01/05/2024. Nguồn: CoinGecko
Hay token REZ của Renzo ra mắt cùng thời điểm cũng chịu chung số phận, giảm 40% chỉ trong vòng 1 ngày.
Biểu đồ giá Renzo (REZ) vào lúc 01:00 PM ngày 01/05/2024. Nguồn: CoinGecko
Lý do token airdrop giảm giá thì khá dễ hiểu. Hầu hết mọi người “cày airdrop” chỉ mong nhận được token “free” sau đó bán ra để kiếm lợi nhuận. Vì vậy nhu cầu hold của nhóm này đều không có, một khi nhận được token là đều “bán liền tay”.
Trong khi đó những nhà đầu tư khác dù đánh giá dự án tiềm năng nhưng cũng sẽ không mua token vào giai đoạn này. Họ dĩ nhiên nhìn thấy tình trạng giá đang bị “dân airdrop” xả mạnh, nên sẽ đợi đến khi hết áp lực xả này mới có thể cân nhắc mua vào.
Một lý do khác nữa là, định giá của những dự án này đều quá cao.
Định giá quá cao
Wormhole (W) TGE với 18% tổng cung, hay ENA của Ethena chỉ là 9,5%. Nhưng theo CoinGecko, W đang có FDV hơn 6 tỷ USD, ENA thì đến 11 tỷ USD.
Biểu đồ giá Wormhole (W) vào lúc 01:00 PM ngày 01/05/2024. Nguồn: CoinGecko
Biểu đồ giá Ethena (ENA) vào lúc 01:00 PM ngày 01/05/2024. Nguồn: CoinGecko
Cung lưu hành thấp dễ đẩy giá lên trong nhất thời, nhưng theo thời gian khi lượng token được mở khóa đưa vào lưu thông ngày càng nhiều, giá token sẽ chỉ tiếp tục giảm.
Nhà đầu tư trong thị trường hiện nay đều là “lão làng”, rất khó để thuyết phục họ mua token của một dự án có FDV lên đến 10 tỷ USD.
Marc Weinstein, đối tác đầu tư của quỹ Mechanism Capital, thẳng thắn:
“Các nhà đầu tư không tin rằng một dự án ra mắt với mức định giá 11 con số sẽ có tiềm năng tăng giá được.”
Việc định giá cao một phần là do cơn hype xoay quanh các dự án mới ra mắt. Ethena, Wormhole, Tensor hay EigenLayer sắp tới đây đều được quảng bá bằng những “từ khóa” mỹ miều, được nhà đầu tư lẫn đầu cơ FOMO,…
Như tài khoản Thor Hartvigsen tổng hợp dưới đây, các dự án top đầu hiện tại đều đang có FDV hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD, nhưng lượng token lưu thông thực tế đều khá nhỏ. Trong những tháng còn lại của năm 2024, các dự án này sẽ tiếp tục unlock, đưa càng nhiều token vào lưu thông.
We’re 4 months into the year and have already seen a massive increase in the supply of altcoins.
Made a list of the ones I can remember from the top of my head.
This is ALREADY $8.6b in additional liquid supply injected into the market.
And $70.5b in total unlocked over the… pic.twitter.com/ep7f0fu0ZW
— Thor Hartvigsen (@ThorHartvigsen) April 27, 2024
Đó là yếu tố khách quan đến từ thị trường. Dự án tốt, quá hype tại thời điểm ra mắt dĩ nhiên sẽ có định giá cao hơn mặt bằng chung. Nhưng cũng còn đó một yếu tố chủ quan đến từ chính phía đội ngũ dự án…
Dự án cố ý?
Một nguồn tin giấu tên tiết lộ với tờ DL News rằng đối với một số dự án, việc ra mắt ở mức FDV cao có thể là do cố ý.
“Giả định lạc quan nhất là họ muốn sử dụng token của mình làm tiền tệ và FDV cao cũng đồng nghĩa họ đang nắm giữ số tài sản giá trị hơn.”
Nhưng đối với một số dự án, còn có những lý do đáng lên án hơn.
“Đội ngũ dự án và các quỹ đầu tư có thể bán token với giá rẻ hơn thông qua con đường OTC trước khi token lên sàn, từ đó bỏ túi được số tiền kha khá.”
Weinstein cũng suy đoán về một lý do khác nữa:
“Nếu bạn bắt đầu ở mức 20 tỷ USD và giảm 95% trong thị trường gấu, thì bạn vẫn là một dự án trị giá 2 tỷ USD.”
Đó còn là chưa kể đến những lùm xùm về tokenomics mà EigenLayer, Renzo hay Starknet đã gặp phải ở thời điểm công bố token, thu hút rất nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng đầu tư và làm airdrop.
Thậm chí còn “quá đáng” hơn, LayerZero muốn người làm airdrop tự khai báo hành vi sybil. Theo lời đội ngũ thì dự án muốn đề cao hoạt động của người dùng thật và có đóng góp bền vững, thay vì những người chỉ chực chờ muốn kiếm token rồi thoát hàng qua hành vi sybil – tức tạo thật nhiều ví rồi thực hiện những giao dịch cơ bản nhằm đạt đủ điều kiện nhận airdrop.
Trong khi đó, chính dự án vì muốn thu hút người dùng để “tạo số” mới úp mở airdrop, tạo điều kiện cho mọi người “farm”. Để rồi khi airdrop đến gần, dự án lại quay lưng với chính những người ủng hộ mình, yêu cầu người cày airdrop tự “thú nhận”, không tự đầu thú thì trao bounty bắt cộng đồng tố giác lẫn nhau.
Airdrop có khi nào hết thời?
Nhà đầu tư không bao giờ chỉ là những “con cừu trắng” chỉ chờ dự án “vặt lông”, họ đủ khôn ngoan để nhận ra những “chiến thuật” kiểu này.
Và kết quả phản ánh rõ ràng trên chart giá. Token chỉ một xu hướng giảm chủ đạo, khó mà tiếp bước tiến lên. Người nhận airdrop cũng chỉ chăm chú bán xả token, có đủ lý do để không thể “hold to die” cùng dự án.
Dù vậy, airdrop token vẫn là xu hướng chủ đạo của các dự án mới muốn thu hút người dùng. Khó mà phát triển đường dài nếu không có sự ủng hộ của cộng đồng “cày air”. Đây là mối quan hệ bắt buộc hai bên cùng có lợi để duy trì sự cân bằng của thị trường crypto.
Người dùng hitesh.eth đã tổng hợp dữ liệu 18 airdrop gần nhất và nhận ra rằng:
– JTO airdrop công bằng nhất trong số này, phân phối 10% tổng cung cho TGE, cộng đồng nhận được “free token” rất nhiều.
– Jupiter phân bổ đến 40% tổng cung cho cộng đồng “cày air”, Season 1 nhận 10%. Có thể thấy dự án khá thoải mái với người dùng, nếu so với cách phân bổ “nhập nhằn” của EigenLayer gần đây.
– TIA có hiệu suất giá 1 ngày sau niêm yết tốt nhất trong số này.
– Ngược lại, PARCL có hiệu suất kém nhất, giảm 60% sau 1 ngày giao dịch.
– Trung bình dự án phân bổ 5,87% tổng cung TGE cho airdrop, chúng ta có thể dùng số này làm tiêu chuẩn để so sánh với những dự án sau.
friend.tech – thành hay bại?
Thêm một case study đáng chú ý khác là friend.tech, khi dự án mạng xã hội web3 này vừa mở cổng claim token vào ngày 03/05/2024 vừa qua.
Ban đầu, những tưởng friend.tech tiếp tục là một dự án airdrop hiệu suất kém tương tự như những người đi trước, khi người claim được ồ ạt xả khiến giá token FRIEND lao dốc hơn 90%.
Nhưng khác với dự đoán, giá FRIEND lại có dấu hiệu phục hồi khi đã có gần 85% lượng airdrop đã được nhận. Cùng lúc đó APR của pool LP FRIEND/ETH đã cao đến tận 2.800%, cho thấy người dùng sẵn sàng mua lại FRIEND ở giá đáy để tiếp tục tham gia các hoạt động khác của dự án sau airdrop.
Tính đến hiện tại, friend.tech có thể xem là trường hợp thành công, khi dù airdrop 100% hoàn toàn cho cộng đồng, không thiếu “dân cày air” vào kiếm “free token”, nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ người dùng trung thành ở lại với dự án.
Có lẽ các nhà phát triển sau này nên noi gương friend.tech, tập trung xây dựng một sản phẩm thực sự hướng đến cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của người dùng chứ không nên xem người dùng của mình là “sản phẩm” đề “bào tiền”.